Sự phát triển của quyền lực kinh tế ở thế hệ thứ ba (1989-2002) Lịch_sử_Cộng_hòa_Nhân_dân_Trung_Hoa

Sau vụ Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình rút về hậu trường. Trong khi vẫn nắm quyền kiểm soát tối cao, ông chuyển quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ ba cho Giang Trạch Dân. Dù bị cấm vận thương mại từ bên ngoài, tăng trưởng kinh tế đã một lần nữa đạt mức cao vào giữa thập niên 1990. Các cải cách kinh tế vi mô của Giang Trạch Dân phát triển hơn nữa học thuyết "Chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc" của Đặng Tiểu Bình. Cùng lúc đó, giai đoạn cầm quyền của Giang Trạch Dân cũng là thời gian phát triển của nạn tham nhũng trong mọi lĩnh vực đời sống. Thất nghiệp ở mức cao khi các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả bị đóng cửa dọn đường cho các liên doanh mới, cả trong nước và nước ngoài, làm ăn hiệu quả hơn. Hệ thống an sinh xã hội kém cỏi trước kia được đặt trước một thử thách thật sự. Giang Trạch Dân cũng chú tâm tới những phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của một số dân đông đảo, Đập Tam Hiệp được xây dựng, kéo theo một số lượng đông đảo những kẻ ủng hộ lẫn chỉ trích. Ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi thủ đô Bắc Kinh luôn phải hứng chịu các trận bão cát hậu quả của việc sa mạc hoá.

Thập niên 1990 cũng chứng kiến sự trở lại của hai thuộc địa nước ngoài, Hồng Kông từ tay người Anh năm 1997, và Ma Cao từ Bồ Đào Nha năm 1999. Hồng Kông và Ma Cao tiếp tục được hưởng quyền tự chủ lớn, và có hệ thống kinh tế độc lập của riêng mình. Giang Trạch Dân và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có những cuộc viếng thăm cấp quốc gia lẫn nhau, nhưng Quan hệ Trung-Mỹ đã nảy sinh nhiều bất đồng lớn trong giai đoạn cuối thập kỷ này. Hoa Kỳ đã ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1999 do các thông tin tình báo sai lệch. Bên trong Hoa Kỳ, Cox Report cho rằng Trung Quốc đã ăn trộm nhiều thông tin quân sự tối mật từ Hoa Kỳ. Và vào năm 2001, một máy bay do thám Hoa Kỳ đã va chạm với một máy bay chiến đấu Trung Quốc, khiến dân chúng nước này tức giận và căm ghét Hoa Kỳ.

Trên lĩnh vực chính trị, Trung Quốc một lần nữa lại bị lên án vì cấm đoán Pháp Luân Công năm 1999. Những người phản kháng của phong trào tinh thần này ngồi im lặng bên ngoài Trung Nam Hải, yêu cầu đối thoại với những nhà lãnh đạo Trung Quốc. Giang Trạch Dân coi đó là sự đe dọa đối với độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả mọi nhóm đối lập, trong khi sử dụng các thông tin đại chúng để tuyên truyền rằng đó là sự thờ cúng ma quỷ.

Quốc kỳ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Trái lại, các chính sách kinh tế của Thủ tướng Chu Dung Cơ khiến Trung Quốc vẫn giữ được ổn định và phát triển trong cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á. Tăng trưởng kinh tế đạt mức bình quân 8% một năm, giảm sút năm 1998 do hậu quả những trận lũ lụt tại sông Dương Tử. Sau một thập kỷ đàm phán, cuối cùng Trung Quốc đã được chấp nhận gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Tiêu chuẩn sống của người dân đã được cải thiện nhiều với sự tái xuất hiện của tầng lớp trung lưu, dù hố chênh lệch giữa nông thôn và thành thị vẫn còn là vấn đề. Sự chênh lệch giàu nghèo giữa phía Đông và phía Tây tiếp tục nới rộng, buộc chính phủ phải đưa ra chương trình "phát triển phía Tây", với các dự án đầy tham vọng như Đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng. Chi phí giáo dục đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Tham nhũng tiếp tục lan tràn dù các chiến dịch chống tham nhũng của Thủ tướng Chu Dung Cơ đã tuyên án tử hình nhiều quan chức.